Người phụ nữ khao khát tự do [English below]
“Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc ở ngay trong những khoảnh khắc gần gũi và giản dị mà hai người còn được ở bên nhau, hiểu ý nhau là điều tuyệt vời”.
Cuộc sống thời bao cấp nghèo khổ, người dân sống dưới cái lồng sắt của định kiến, phong tục và lối suy nghĩ cũ. Đâu đó hiện hữu những mảnh đời chấp nhận vùi cuộc đời trong những lề lối ấy, đâu đó lại có người vật vã muốn thoát khỏi những áp bức tư tưởng, phá vỡ những bức tường chật hẹp bức bối để sống cuộc đời họ chọn một cách tự do hơn, chủ động hơn, ngay dưới chính cái xã hội ấy.
Tôi may mắn được gặp cô Huỳnh Nguyệt Ánh, năm nay 56 tuổi và được nghe về những câu chuyện cuộc đời cô!
Tìm thấy mình trong những bồng bột của tuổi trẻ
Tôi gặp cô vào một buổi sáng nắng ấm Sài Gòn, những câu chuyện nho nhỏ, ngắt quãng cứ thế được trao và nhận giữa hai thế hệ về một Sài Gòn xưa cực khổ nhưng yên bình, một Sài Gòn đất rộng người thưa được bao phủ bàng bạc bởi cây “sài” – tiếng địa phương của cây xoài và cây bông “gòn”, bởi thế mà người dân quen miệng gọi nơi này là Sài Gòn, cô kể vậy!
Mặc dù mang trong mình khao khát được tự do, nhưng cuộc sống của cô bị bủa vây bởi nhiều định kiến về thân phận người phụ nữ và luật lệ nề nếp trong gia đình. Đối với người lớn trong nhà, con gái phải nết na thùy mị, cử chỉ dịu dàng và e ấp giữ kẽ; phải quanh quẩn trong nhà để học thêu, học nấu nướng, không được rong chơi ngoài đường để bị người khác dèm pha. Còn với một cô bé sôi nổi như cô, lẽ dĩ nhiên cô không phủ nhận những giá trị ấy, nhưng cô khao khát được vượt ra giới hạn, được khám phá và học hỏi, như mọi đứa trẻ khác. Thế nên, cô nhiều lần rời bỏ nhà để tìm một nơi khác bớt ngột ngạt, bỏ Sài Gòn đến những vùng đất khác để mưu cầu được tự do hơn. Cô mãi loay hoay tìm cho mình một lối đi, một bầu trời được vùng vẫy, sống một cuộc đời cô muốn, được chủ động chọn người bạn đời thay vì ngồi chờ người lớn đặt để.
Những bồng bột của tuổi trẻ, những nông nổi của cá tính bướng bỉnh đã nhiều lần gây cho cô những lần chậm trễ trên con đường học vấn, những tổn thương và hối tiếc có đủ. Nhưng hơn hết, những bài học cuộc đời sâu sắc nâng đỡ cô trưởng thành mạnh mẽ và chủ động, người phụ nữ ấy đã tự do lựa chọn nguyên tắc riêng, tự do trở thành một người phụ nữ truyền thống, và tự do tiếp thu những tư tưởng tiến bộ.
Quyết định gắn cuộc đời mình với người nghệ sĩ hơn cô gần 2 con giáp, cô tìm được bến đỗ bình yên và hạnh phúc nhất cuộc đời
Ngày ấy, người đời kháo nhau rằng người nghệ sĩ thường rất trăng hoa với nhiều bóng hồng vây quanh, vì thế mà khi kết thân với họ, người phụ nữ sẽ khó tìm thấy sự bình yên. Thế nhưng bỏ ngoài tai những xì xào quen thuộc ấy, cô trao yêu thương cho người nghệ sĩ gãy đàn ghi ta hơn mình 22 tuổi và gắn cuộc đời mình với tình yêu nghệ thuật, cô dành cả những năm tháng thanh xuân say mê tiếng đàn trầm bỏng mà chú đánh mỗi ngày. Không một đám cưới xin, không được sự chấp thuận hoàn toàn từ phía gia đình, và cũng không mảy may sợ hãi, cô dành từng phút giây để được sống với chú, dành cả trái tim để xây dựng một gia đình hạnh phúc. “Chú luôn yêu thương gia đình và chung thủy, cô tìm hoài cũng không có ai qua ông xã cô. Được chăm sóc, phục vụ ông xã và chăm sóc con cái với cô là hạnh phúc lắm rồi” – cô chia sẻ.
Ngày chú còn sống, cô thường giận hờn vu vơ “sao anh không được sinh ra trễ hơn, để em được bên anh lâu hơn”. Chú ít nói, nhưng luôn là người bạn sẻ chia từng khoảnh khắc vui buồn khó khăn cùng cô. Dù đánh đàn chỉ là nghề tay trái, nhưng đam mê âm nhạc cứ âm ỉ trong tâm hồn chú, rồi dần trở thành sợi dây vô hình kết nối các thành viên trong gia đình. Trở thành người vợ, người mẹ tất bật vì gia đình để chăm chút cho hạnh phúc nhỏ của mình – với cô chính là quyền tự do của người phụ nữ. Liệu, bạn đã cảm thấy tự do khi làm điều đó chưa?
Coi tôi như con gái, cô chỉ bảo phụ nữ ngày nay dù thành công và độc lập đến đâu, chăm lo việc nước lớn đến mức nào cũng phải đảm việc nhà; thay vì cố gắng đấu tranh cho nữ quyền thì hãy tận hưởng quyền tự do trong quyền được làm phụ nữ, trong đó có quyền được làm vợ và làm mẹ. Điều quan trọng không chỉ ở việc làm chủ bản thân, mà còn làm chủ việc lựa chọn người đàn ông của chính mình. “Khi lựa chọn đúng người biết sẻ chia và trân trọng con, không cần ép con cũng tự nguyện “phục vụ” chồng một cách hạnh phúc” – cô nói, “cô may mắn khi được gặp chú”.
Phải chăng bình quyền nam nữ đơn giản là tận hưởng niềm hạnh phúc được tự nguyện gánh vác những công việc mà người đàn ông cũng có thể làm được, hai người cùng nhau thấu hiểu và cảm thông. Tôi không biết? Nhưng với cô, nó chỉ đơn giản thế thôi.
Ước nguyện của cô chú khi về già là được cùng nhau đi ngao du thiên hạ, đèo nhau qua những con đường xa lạ và nắm tay đến những nơi xa xôi chưa từng đặt chân đến. Vì thế dù chú đã nằm xuống, cô vẫn tâm niệm rằng mỗi chuyến đi đều có chú ở bên cạnh mình, “Em sẽ chở anh cùng đi, anh ngồi yên sau xin phù hộ cho chuyến đi của chúng mình bình an nhé” cô tự nhủ như thế mỗi khi bắt đầu một hành trình mới. Cô là một phượt thủ chính hiệu đấy!
Một mình lẻ bóng nhưng không cô đơn
Hiện cô đang sống một mình trong ngôi nhà nhỏ lọt thỏm trong một hẻm sâu ở quận 4, cô con gái lớn hiện đã có cuộc sống hôn nhân riêng và cô con út đang du học ở Hàn Quốc. Mỗi lần có tâm trạng, cô lại thủ thỉ cùng thơ, lúc thì đan len, lúc lại ôm cây đàn của chú ngân nga, cô tìm niềm vui trong những công việc bận rộn như thế.
Lật mở những trang giấy cũ kỹ trong cuốn sổ thơ của cô, tôi thấy mình may mắn vì được chiêm nghiệm những vần thơ đẹp đẽ và dịu dàng mà cô thường viết vội mỗi khi dòng hồi ức cũ ùa về. Cô trò chuyện với chú, với đời bằng những câu chữ vần điệu yêu thương, bằng một tâm hồn nghệ sĩ ẩn sâu trong một dáng hình nhỏ bé nhưng luôn vui vẻ và lạc quan.
Sống một mình nhưng chưa bao giờ cô thấy cô đơn, vì cô vẫn còn ấp ủ những dự định trong tương lai. Đó là những việc thêu thùa mỗi ngày kiếm sống, là những chuyến đi phượt bằng xe máy, những chuyến tình nguyện giúp đỡ người nghèo cùng các bạn trẻ. Với dự án gần nhất trong năm nay, cô đang đan 100 chiếc mũ len để hi vọng kịp dành tặng các cụ già ở viện dưỡng lão tại Sài Gòn. Ước mơ lớn nhất mà cô đang nuôi dưỡng là dành quãng đời còn lại để giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình, và cô đang từng chút một thực hiện điều đó, gần gũi, chân thật mà vô giá.
“Maybe it’s time to let the old way die”, người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng cho sự đổi mới dù họ cũng là những người gánh chịu nhiều nhất những lối suy nghĩ cũ. Họ thay đổi theo cách riêng của mình, trong những cuộc đời khác nhau. Cô Ánh là một trong những người có nhân cách đẹp, có một cuộc hôn nhân bình đẳng và có cuộc sống hạnh phúc.
Trong xã hội hiện đại đang đấu tranh cho nữ quyền, người phụ nữ đang cố gắng mỗi ngày để được trân trọng hơn. Nhưng đâu đó cũng còn rất nhiều người bà, người mẹ, người chị luôn hi vọng những giá trị truyền thống đẹp đẽ của phụ nữ Việt vẫn hiện ẩn trong mỗi người, mặc dù họ vẫn ủng hộ cho sự cầu tiến và phát triển. Sự bình đẳng đối với cô không ở đâu xa, nó nằm trong tư tưởng “có quyền được hạnh phúc của mỗi người”. Khi bạn cảm thấy hạnh phúc, hãy trân trọng nó; khi bạn còn loay hoay đi tìm hạnh phúc, hãy tận hưởng và trải nghiệm những chông chênh; khi bạn thật sự bế tắc dù đã cố gắng hết sức để giữ gìn hạnh phúc, hãy từ bỏ để đi tìm một niềm vui mới.
Tôi xin kết thúc câu chuyện này bằng lời cô chia sẻ về hạnh phúc trong cuộc hôn nhân với chú: “Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc ở ngay trong những khoảnh khắc gần gũi và giản dị mà hai người còn được ở bên nhau, hiểu ý nhau là điều tuyệt vời”
Check out the English version
(opens in a new tab)
4 Comments
Khanh Quynh
Câu chuyện của bạn rất hay, mình cảm thấy thật sự đồng cảm với cô ấy, mình mong là cô ấy luôn vui vẻ như hiện tại và mình mong sẽ được như cô, cảm thấy cuộc sống này thật đáng sống, trân trọng từng phút giây!
Hop Nguyen
So inspiring!!! Có lần em được nghe: Là người phụ nữ trước nhất phải yêu thương và biết được giá trị bản thân. Nếu họ đặt người khác (kể cả gia đình) lên trên bản thân, họ gọi đó là “sự hy sinh” và nó sẽ đi kèm với đòi hỏi được “trả ơn” một cách vô thức. Điều đó là gánh nặng đối với người phụ nữ – nếu mọi thứ đi ngược lại với họ mong đợi. Điều đó cũng là gánh nặng cho chồng và con cái- khi họ phải gồng trên vai “món nợ” trả hoài không hết ấy. V nên, em nghĩ không có gì là hy sinh cả, mà phụ nữ có quyền tự do. Đó là tự do trong “sự lựa chọn”. Mà lựa chọn thì có lúc đúng lúc sai. Em cảm thấy vui khi lựa chọn của cô thật đúnggggg <3
lensonsoul
Được đọc, được nghe, được viết lại những câu chuyện làm chị cảm nhận được rất nhiều thứ, và hạnh phúc hơn là những bạn đọc bài viết của chị lại có những góc nhìn riêng từ câu chuyện ấy! Cảm ơn cô gái!
Pingback: