Social Projects,  The Imperfection Project,  The Women Project

Người đạt kỷ lục vẽ những nếp nhăn

Gặp gỡ họa sĩ Đặng Ái Việt – người xác lập 4 kỷ lục và câu chuyện ròng rã hơn 8 năm thực hiện hoài bão giữ gìn hồn dân tộc cho thế hệ Việt Nam mai sau.

5:30 sáng một ngày tháng 12 năm 2018, tôi bắt chuyến xe buýt sớm nhất đi Bình Dương với chút hồi hộp và háo hức trong lòng. Bởi lẽ, tôi là vị khách đặc biệt tại một trạm dừng chân trên hành trình “rượt đuổi thời gian” của Họa sĩ Đặng Ái Việt – người phụ nữ hơn tám năm trời xê dịch khắp 63 tỉnh thành để vẽ Mẹ Việt Nam Anh Hùng.

Dưới cái tiết trời oi bức những ngày cuối năm của vùng đất Đông Nam bộ, nắng vàng rực rỡ đưa bước cô họa sĩ và tôi đến nhà một Mẹ Anh Hùng nằm ở Xã Tân An, huyện Bình Dương.

Hoàn thành nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, ước nguyện vẽ Mẹ cuối cùng cũng trở thành hiện thực

Tham gia kháng chiến thời chống Mỹ, cô Ái Việt được mệnh danh là “dũng sĩ diệt Mỹ” vì tính cách kiên định, lời nói thẳng thắn, bộc trực như đàn ông, cùng tiếng cười giòn giã luôn thường trực. Giữa cuộc chiến tàn khốc luôn len lỏi nỗi sợ về cái chết, những nữ chiến sĩ nơi đơn vị tiền tuyến mà cô công tác đã hứa với nhau rằng: “Khi đất nước giành độc lập và thống nhất, chị em mình nhất định sẽ chu du khắp mọi miền trên mảnh đất hình chữ S này, vừa đến thăm quê hương của những anh em đã nằm xuống vì bom đạn chiến tranh, vừa hít thở sự tự do trên từng tấc đất mà chúng ta đang quyết chiến bảo vệ đến cùng”. Đó không chỉ là lời hứa mà còn là ước nguyện to lớn, thúc giục cô bắt đầu cuộc hành trình khi tuổi đã ngoài 70. 

Họa sĩ Ái Việt là vợ của đạo diễn Phạm Khắc – Cựu giám đốc đài truyền hình Việt Nam và cũng là cha đẻ của bộ phim tài liệu Mê Kông Ký Sự. Lúc chú Khắc còn sống, chú gọi cô bằng biệt danh “ông nhà” – nghe lạ tai, hài hước nhưng lại rất đỗi thân thương. Đó là vì tính cô “như đàn ông”, luôn mạnh mẽ, gai góc và kiên định với những điều mình muốn. Cô nhiều lần tâm sự với chú về dự định này, đã gieo trồng niềm tin, ấp ủ hy vọng và nuôi dưỡng khao khát thực hiện lẽ sống lớn nhất của cuộc đời mình. “‘Ông’ dù sao cũng là đàn bà, chân yếu tay mềm, liệu sức khỏe có cho phép ‘ông’ đi khắp đất nước để vẽ Mẹ không?” – điều chú Khắc lo cũng là điều làm cô băn khoăn. Thế nhưng, trời đất dường như cũng thấu hiểu mà ban đủ sức khỏe giúp cô bôn ba khắp chốn để tìm Mẹ trong ngần ấy năm.

Những nếp nhăn “không phải dạng vừa đâu” 

Đồng hành với cô trong chuyến đi hôm ấy, tôi có cơ hội quan sát cách cô làm việc, từ ghi chép thông tin về Mẹ, ký họa hình ảnh Mẹ bằng chì, đến vẽ màu chi tiết, ký tên và lưu giữ cẩn thận bức chân dung hoàn chỉnh vào tập văn bản của mình. Cô ân cần, vui tính và gần gũi với Mẹ như người nhà, như cô con gái yêu thương chưa bao giờ gặp mặt. Nhìn sâu vào mắt Mẹ, cô thì thầm với tôi về những hoài niệm xưa cũ: “Thấy Mẹ nhỏ người vậy đó, nhưng bên trong là cả bầu trời ký ức, đong đầy cả hạnh phúc, đau đớn, mất mát, cô đơn, nhung nhớ, mòn mỏi… sao mà kể hết. Nếp nhăn trên gương mặt Mẹ là tạo hóa của tự nhiên, những nét đẹp ấy không phải ai muốn cũng có được đâu. Đó là nếp gấp của thời gian; là vết nhăn của cuộc đời; là tiếng lòng của người vợ mất chồng, người mẹ mất con; là niềm vui, niềm hy vọng suốt một đời – thế mà Mẹ nào đâu có nói”.

Tôi – ngót nghét 25 cái xuân xanh – bỗng vỡ òa trước lời bình dị mà quá đỗi am tường sâu sắc của mái đầu xanh đang ngồi ngay bên cạnh. Ai mà không sợ tuổi già, ai mà không ghét những vết thời gian trên da, thế nhưng cô Ái Việt hẳn đã “yêu” chúng đến vô tận. Là vì, cô nâng niu những nét chì, ung dung phác họa từng vết chân chim nơi khóe mắt Mẹ như đang thong dong vào miền ký ức của Mẹ và cả của chính mình nữa. Dường như, đó là những “tấm bằng chứng nhận” cho bài học trường đời mà ai rồi cũng sẽ đạt được. Ở đó, “ban giám hiệu” chính là thời gian và những trải nghiệm hỉ nộ ái ố khác biệt của mỗi đời người. Đúng là những nếp nhăn “không phải dạng vừa đâu”!.

Đáp lại sự kiên trì không ngừng nghỉ, cô trở thành Kỷ lục gia châu Á với 2 kỷ lục “Người vẽ chân dung mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất” và “Người phụ nữ đầu tiên sử dụng xe Chaly đi khắp 63 tỉnh thành ký họa chân dung mẹ Việt Nam anh hùng”. Thế mà, kỷ lục mà cô tự hào nhất và cũng tự đặt cho mình lại chính là “Người phụ nữ hôn nhiều mẹ Việt Nam anh hùng nhất”, vì cứ sau mỗi lần ký họa Mẹ trên giấy, cô đều ôm và hôn má Mẹ thân thương. Tôi từ ngỡ ngàng tới bật cười thành tiếng sau câu đùa ấy, và nghe như gió thoảng nhẹ qua mớ tóc mai đã bạc màu của cô, dường như cũng đang cười theo.

Về phần mình, tôi cũng tự trao cho cô một danh hiệu mới: “Người đạt kỷ lục vẽ những nếp nhăn”, bởi nào mấy ai bản lĩnh và quyết liệt như cô họa sĩ tóc muối tiêu của tôi đâu chứ!

Xe “cánh phượng” là bạn đường, mọi miền đều là nhà

Giờ đây, khi tuổi đã thất tuần, cô vẫn một mình trên những con đường đi tìm Mẹ. Người phụ nữ phong trần ngày ngày chạy đua với thời gian để kịp vẽ Mẹ, luôn hy vọng rằng Mẹ vẫn đang đợi cô tới: “Mẹ ơi hãy đợi con, con sẽ đến”. Những người bạn chiến hữu ngày xưa giờ đây cũng đã già đi, sức khỏe không tốt và còn nhiều lý do khác ngăn cản họ thực hiện lời hứa năm xưa. Vì thế, trên hành trình độc hành xuyên quốc gia, cô vẫn tâm niệm sẽ thay mặt họ gửi những thương yêu đến các Mẹ.

000047

Chiếc xe honda super cub 81 mà cô gọi là “xe cánh phượng”, tấm bản đồ đánh dấu chi chít những vùng đất cô đã đi qua và sẽ đặt chân đến là những người bạn đường tri kỷ của cô. Nhớ lại thời điểm chuẩn bị cho dự án, cô kể rằng đã phải tìm hiểu về thời tiết để lên lịch trình và địa điểm phù hợp, phải học về các nguyên lý động cơ xe và rồi tập sửa, vá lốp xe để có thể tự mình xử lý những rắc rối bất thình lình trên đường. Hơn hết, cô cũng chuẩn bị tinh thần và sức khỏe tốt nhất trước ngày xuất hành.

Điều cô đang làm đối với người khác là phi thường, nhưng với cô, đó là sự tự do. Muốn tự do, ta phải tự lực cánh sinh; muốn tự do, ta không được cho phép bản thân mình lười biếng và sợ hãi. Cô dạy tôi: “Không gì ngăn cản được ta theo đuổi những điều ta mong muốn, chỉ có ta mới hạn chế khả năng phi thường của chính mình, con nhớ nhé!”.

Tuy tay lái cứ bon bon trên mọi nẻo đường, nhưng khắp nơi đối với cô đều là nhà. Đến thăm và vẽ Mẹ, thi thoảng cô cũng xin chén cơm, bát canh và dùng bữa trưa với gia đình của Mẹ. Chính những bữa cơm sẻ chia lúc đầy lúc vơi ấy giúp cô thấm thía hơn giá trị tình nghĩa giữa người với người. Cô như thay mặt những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường ăn chén cơm ấm nóng đậm nghĩa gia đình trên quê hương mà họ phải dùng máu để bảo vệ.

Bao năm ròng rõ thực hiện ước nguyện, cô vẫn chưa hạnh phúc

Tôi đã từng tự hỏi bản thân liệu hạnh phúc là gì? Tôi cũng đã từng hỏi nhiều người liệu họ có đang hạnh phúc? Và câu trả lời tôi nhận được chỉ là những gương mặt bâng khuâng, vẫn mãi đi tìm định nghĩa của hạnh phúc trong từ điển của họ.

Đối với họa sĩ Ái Việt, cô hạnh phúc vì đã cống hiến sức lao động cho nghệ thuật, cho con đường giáo dục xây dựng những lớp trẻ tương lai; cô hạnh phúc vì đã có một người chồng thương yêu vợ, có những người con thành đạt và luôn ủng hộ dự án vô giá của mẹ. Nhưng cô vẫn chưa hạnh phúc trong hành trình khắc họa nét đẹp thời gian, là vì cô không biết có đến kịp với Mẹ không. Hơn 1800 bức tranh của Mẹ đã hoàn thành, hơn 1800 lần cô chạy ngược xuôi liên lạc với ủy ban huyện, xã để chắc rằng sẽ không bỏ sót Mẹ anh hùng nào. Cứ mỗi lần ký tên tái bút trên tấm chân dung Mẹ là mỗi lần cô lại tất bật chuẩn bị đến với Mẹ tiếp theo. Cô vẫn mãi đau đáu làm sao đến với Mẹ thật nhanh, vì thời gian vẫn cứ mãi vô hình chảy trôi, không gian lại không thể dịch chuyển, mà thời gian của Mẹ lại đang rút ngắn từng giờ, từng ngày.

Nhìn lại, hạnh phúc của họa sĩ Ái Việt nằm rải rác trên mỗi chặng đường khác nhau, cô đơn giản là thong thả đi qua, gom nhặt chúng lại để đong đầy niềm hạnh phúc lớn của cuộc đời. Thì ra, chúng ta không cần sống cả một đời để nhận ra hạnh phúc. Bởi lẽ, niềm hạnh phúc đôi khi lại được nhận diện ngay khi ta biết mình ‘chưa hạnh phúc’. “Hành trình nét thời gian” không dừng lại ở con số bức chân dung Mẹ, là vì ngày nào cô còn chưa vẽ hết Mẹ, ngày đó cô còn chưa hạnh phúc.

co-ai-viet-phat-hoa-me-tren-giay

Họa sĩ Ái Việt phát họa chì hình ảnh Mẹ trên giấy

Khách của VTV3 với Họa sĩ Đặng Ái Việt

Trên Hành Trình Nét Thời Gian, cô trở thành “người đàn ông đích thực” của chính mình

Mọi người sẽ tự hỏi làm thế nào người phụ nữ đã ngoài 70 có thể độc hành thực hiện dự án này. Vậy liệu nếu là đàn ông, họ có làm được không? Với cô, nam nữ chỉ khác nhau ở cấu trúc sinh học. Đừng hỏi phụ nữ chân yếu tay mềm có làm được điều đó không, mà hãy hỏi hoài bão của họ có đủ lớn để thực hiện những điều khác biệt.

000043

Họa sĩ Ái Việt chính là người đàn ông đích thực của chính mình suốt hành trình dài chưa có điểm dừng. Liệu 10 năm, 20 năm nữa, khi các Mẹ Việt Nam Anh Hùng đã đi về với đất mẹ, thế hệ trẻ kế tiếp còn có cơ hội hiểu về những người mẹ kiên cường bất khuất của đất nước, hay họ chỉ nghe kể qua hồi ức của người lớn. Hành trình cô đang đi không có mục đích nào khác ngoài việc lưu giữ lại những tấm chân dung mang linh hồn Mẹ, để lại di sản vô giá cho đời và cho người. Hoài bão của cô quá lớn, làm cháy lên ngọn lửa quyết tâm tìm đến Mẹ, đốt cháy mọi những sợ hãi và lo lắng mặc kệ thời gian trôi chảy thế nào. Nhìn cô, tôi tự nhủ với lòng mình rằng, dù có lựa chọn con đường nào để đi hay cuộc đời nào để sống, tôi cũng nhất quyết làm chủ sự tự do của mình.

Mời bạn đọc bài viết phiên bản tiếng Anh tại đây.

One Comment

Leave a Reply