Nếu ngày mai không bao giờ đến?
Lần đầu tiên trong đời nhận ‘án tử’, tôi từ tức giận, hụt hẫng, run rẩy, sân si thói đời… nhưng cho đến cuối, tôi biết trái tim mình sẽ vẫn an lòng nếu có lỡ ‘chuyến tàu’ đi đến đích cuối cuộc đời.
Lần đầu đối mặt với tử thần, bốn người chọn tôi chết
Trên con tàu Titanic đang chìm dần xuống đáy biển, năm người trong một nhóm được dời qua một chiếc thuyền cứu hộ khác để trôi dạt vào bờ. Tưởng chừng như vớ được hi vọng sống cuối cùng, họ bị bắt phải bỏ lại hai người vì con thuyền gặp trục trặc và chỉ còn chứa được ba người. Đó là một trò chơi hack tinh thần kinh khủng trong một khóa học nhìn lại cuộc đời mà tôi tham gia vào năm ngoái.
Bốn người trong số đó… CHỌN TÔI CHẾT, vì lý do sống của tôi bị cho là ‘ảo tưởng, mơ mộng và không thực tế’, ‘không có bạn thì cũng sẽ không thiếu người khác làm’??
Đọc đến đây, hẳn có người sẽ tò mò tôi đã nói lời trăng trối gì để giành giật sự sống với các thành viên khác phải không? (cười). Tôi sẽ đi khắp thế gian này để thực hiện những dự án tác động xã hội, tôi sẽ phải sống để hoàn thành sứ mệnh giúp cuộc sống này trở nên hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Nếu bạn ngồi trên con thuyền đó, bạn có cho tôi sống?
Trong số đó,
Có một mẹ đơn thân được sống vì không thể bỏ cậu con trai nhỏ lại một mình nương nhờ trời đất,
Có cậu trai trẻ được sống vì chưa kịp đền đáp công ơn nuôi dạy của bà Ngoại,
Có một cô gái được sống vì đang trên hành trình trả lời câu hỏi “Mình là ai?” và tìm kiếm định hướng cho bản thân…
Tôi chỉ nhớ mày mạy về lý do sống của các bạn trong nhóm như thế, vì lúc bấy giờ, tôi vẫn còn ‘bận’ hụt hẫng và tức giận vì mình ‘phải chết’. Người ta còn nợ nhau những ân tình phải trả, còn nợ nhau lời yêu thương không dám trao và được cho cơ hội để hoàn trả với thế thái. Về phần tôi, tôi hiểu khao khát của mình nghe có vẻ hão huyền trong thời buổi đầy định kiến này và cũng không có cơ hội để biện giải. Suy tư tôi bắt đầu chạy lòng vòng từ trạng thái khi tôi tin họ nói (rằng mình đang ảo tưởng sức mạnh) đến cảm xúc hoài nghi về giá trị chính mình. Con ác quỷ bên trong mang tên “Cái tôi sân si” xuất hiện và chiếm lấy tôi. Tôi không ‘chết’ về thể xác, nhưng ngỡ như tâm tư mình đã ‘chết’ thật rồi!
Còn bạn, nếu ở trên con thuyền cứu trợ ấy, bạn trăng trối điều gì để được sống?
Lần đầu tôi nhìn thấy người thân đối mặt với tử thần
Đó có lẽ là cú điện thoại đáng sợ nhất trong 27 cái xuân xanh đời mình. Tôi nghe từ đầu dây bên kia chỉ vỏn vẹn vài chữ: “Bay về gấp, Ba đang có chuyện!”. Tim tôi như bị ai nhéo từng cơn, mặt tôi đanh lại vờ như đang giữ bình tĩnh, nhưng khóe miệng cứ run lên méo mó. Thế là cả gia đình tôi có 24 giờ thấp thỏm cầu nguyện cho Ba, còn Ba thì có 24 giờ chiến đấu quyết liệt để dành lại sự sống.
Tôi chợt nhớ lại bài hát ngày nhỏ mình thường ngân vang “Ba là tàu lửa, Ba là xe hơi, Ba là con ngựa con cưỡi con chơi” và giờ đây tôi lại hồn nhiên hát ca trong trái tim mình “Ba là chiến binh, Ba là người hùng con khóc con cười”. Trong thời khắc tử thần gọi tên ấy, Ba kể rằng không thấy ai cả, chỉ nghe tiếng ồm ồm bên tai và nhìn thấy dòng chữ gì đó vô tình trên bức tường trắng toát. Tôi nhớ thời điểm đó, anh em họ hàng, bạn bè thân thích cứ ra ra vào vào phòng Ba nằm, cậu mợ tôi ở trong Sài Gòn cũng bay về phụ giúp chăm Ba. Căn bệnh của Ba phải cần huyết tương truyền vào cơ thể liên tục, thế là các thanh niên trai tráng từ nhân viên của Ba đến bạn bè thân quen của chị em tôi tụ họp về để góp huyết tương cho Ba. Và Ba qua khỏi. Trong khoảnh khắc mong manh đời người, tôi tự hào vì Ba đã sống một đời được quý trọng và giản đơn, nhưng là một người đàn ông khô khan và nóng tính của tôi.
Tôi vẫn nhớ như in cảnh mấy mẹ con ngồi ngoài hành lang ăn cơm mà chị tôi nấu ở nhà mang lên. Loanh quanh, người nhà của những bệnh nhân khác nhìn thấy cũng cười dịu dàng, người thì lại ngồi cùng xơi cơm hộp mua lề đường của họ, rồi chia nhau miếng rau, củ khoai lang. Tôi thấy mình may mắn vì là con của một gia đình không hoàn hảo này và hạnh phúc thật nhẹ nhàng khi cảm nhận tình làng nghĩa xóm đậm đà ngay trong bệnh viện.
Và vài lần tôi nghe những ‘người lạ’ kể về ký ức họ đối mặt với tử thần
Đó là những người lạ thành thương – những người chị tham gia vào dự án tác động xã hội bằng nghệ thuật nhiếp ảnh và kể chuyện mà tôi sáng lập, để từ đó lan tỏa về những điều chưa hoàn hảo vô cùng xinh đẹp của con người và cuộc sống này. Những người tôi gặp bình dân và giản dị lắm, nhưng khi thấu kỹ, bạn sẽ thấy họ đặc biệt theo cách nào đó rất đặc biệt.
Có một vết sẹo hình xương cá lặng lẽ nằm yên dưới bắp chân phải mà người chị Filipino mang theo cả đời như một “huân chương cho lòng can đảm” của chị. Kể lại khoảng thời gian hơn hai năm chống chọi với căn bệnh ung thư và vượt qua trầm cảm hậu chấn tâm lý, chị cười khanh khách như đang trêu ngươi chính nỗi sợ ngày đó, sợ mình không còn thức giấc một sớm mai, sợ người ta thương hại nên phải đắp một lớp phấn hồng hào che đi làn da nhợt nhạt. Đối mặt với cái chết, chị mới nhận ra bản thân cứ hay muộn phiền những việc không đâu mà quên dành năng lượng và nhiệt huyết để sống cho hiện tại và dấn thân vào những mục tiêu đời mình. Thế đấy, chị truyền cho tôi lòng CAN ĐẢM.
Một người chị khác cũng tưởng chừng như chết đi sống lại vì bị lupus ban đỏ sau thời gian chữa trị căn bệnh xương khớp làm ngón tay và ngón chân biến dạng. Trong đau đớn, chị không biết đã lấy đâu ra nguồn năng lượng lạc quan để giành lại nhịp đập con tim và trở lại cuộc sống bình thường sau hai năm chăm chỉ điều trị. Giờ đây, dù khớp ngón tay co quắp lại, khớp chân yếu ớt bước đi nhưng đó là việc của chúng, việc của chị là thương yêu và nâng đỡ cả cơ thể và tinh thần bản thể. “Em biết không, da toàn thân, da đầu bị vảy nến và chân tay bị biến dạng nhưng chị vẫn thấy mình đẹp từ tâm hồn bên trong. Đó là sức sống mạnh mẽ, ý chí không từ bỏ bản thân và luôn yêu thương chính mình.” Chị nói rồi lại cười, mân mê đôi bàn tay rồi xoa xoa, bóp bóp mấy cái khớp nhô lên như ngọn núi. Thế đấy, chị truyền cho tôi sự LẠC QUAN.
Vài dặm xa xa, có một người chị khác ngày ngày tập yoga và thiền định, bên cạnh việc kinh doanh của riêng mình. Chị là nạn nhân bị vạ lây trong vụ phóng hỏa kinh hoàng sáu năm về trước. Vào cái ngày được xem là cận tử, lúc chị lo sợ dịch tràn phổi sẽ lấy đi mạng sống của mình, chị đếm từng giây và ao ước thêm “một hơi thở mong manh” nữa, thêm một hớp oxi nữa mà thôi. “Chị sống để chuẩn bị cho cái chết, để có chết bất cứ lúc nào cũng không tiếc, không ham, không để lại gì”, tôi lắng nghe chị kể lại ký ức qua màn hình máy vi tính mùa giãn cách Covid, lòng cứ xốn xang. Thế đấy, chị truyền cho tôi sự BÌNH YÊN.
Nếu ngày mai không bao giờ đến?
Quên kể với bạn về lý do cuối cùng mà tôi bị bỏ lại trên con thuyền kia, vì tôi được cho là khá “ổn” chuyện riêng của mình nên mới đi “lo” chuyện người. Nếu nói về khoản gia đình, tôi cũng ‘bất hiếu’ chẳng thua kém ai, vì những 27 xuân xanh rồi mà chưa có một xu dính túi, chưa có anh chàng điển trai nào để dính vào. Tôi thừa nhận mình ‘dở’ với Má và cũng không còn cố giấu những yếu đuối bên trong mình. Tôi hay thủ thỉ với Má rằng: “Con chưa có gì bây giờ, nhưng con đã có cả một hành trình sự nghiệp dài phía trước để dính vào, Má yên tâm”. Nếu bàn về khoản ổn định, tôi cũng lông bông vô định chẳng kém ai, vẫn chưa đạt kỳ vọng của ba mẹ; ngày ngày đạp xe đi dạy kèm tiếng Anh bán thời gian, tìm kiếm đủ cách để làm dự án xã hội bán thời gian và còn tập tành học hành, trau dồi thêm để thông minh hơn tí tẹo.
Và chính tôi của ngày hôm đó cũng phải chọn hai thành viên khác phải chết, và tôi đã chọn người không còn hối tiếc nhiều lắm với cuộc đời này. Phải chăng, nếu là một người khác, chắc tôi cũng sẽ chọn TÔI trong lúc nguy cấp ấy. Tôi có nên dành sự sống lại cho người còn hối tiếc với đời, bởi chẳng phải HỐI TIẾC chính là điều tồi tệ nhất khi ta đối diện với cái chết hay sao?.
Tôi xin trích một đoạn nhỏ trong cuốn “Cội” của Tôn Thất Nguyễn Thiêm.
“Tự xa xưa để nói về con người, tiếng Latinh đã dùng từ Homo, bắt nguồn từ Humus, nghĩa là “cát bụi”: khi con người chiêm nghiệm để nhận ra được gốc gác của mình là cát bụi, thì nó cần phải khiêm cung hơn, nhún nhường hơn, từ tốn hơn và nhất là biết cung kính hơn, đối với tất cả những gì làm nên sự sống của chính nó (Homo = Humus = Humility/Con người = Cát bụi = Cung kính), để cố gắng mà sống thật sự cho ra người, trước khi trở về với cát bụi”.
Ai cũng muốn níu kéo mạng sống để hoàn thành những việc cần làm, và tình huống nguy khẩn ở trên không phải để tôi giành giật mạng sống với người khác, mà là để tôi cung kính hơn cuộc sống này. Nhìn lại, tôi chỉ thầm mong những người bạn được sống trên con thuyền ngày đó đang từng ngày thực hiện lẽ sống của mình mà chẳng màng nếu ngày mai có đến hay không.
Trong khi chúng ta đang quanh quẩn trong bốn bức tường mùa giãn cách Covid, hẳn đã có lần mọi người nghe hoặc nghĩ đến cái chết, vậy nếu ngày mai không bao giờ đến, mình tính sao đây?
PS: Kỷ niệm ngày tròn 27 thanh xuân và mừng Ngày của Cha 2021.